Lọc đáy được dùng cho các hồ có độ sâu, tận dụng trọng lực trái đất. Lọc đáy ngày nay không những được xem là bắt buộc đối với các hồ koi chuyên nghiệp mà còn rất hiệu quả và tối ưu lượng điện năng tiêu thụ cho hồ. Nước và chất thải, phân cá trong hồ theo trọng lực và lực hút của máy bơm thông qua ống thoát đáy vào bộ lọc của hồ. Lọc đáy đặc biệt hiệu quả khi hồ được thiết kế có độ dốc và ống thoát đáy được đặt tại điểm sâu nhất trong hồ.
Ngoài ra, để tối ưu hơn nữa khả năng lọc đáy cho hồ koi hiệu quả, đĩa sủi oxy được gắn vào ống cống lọc đáy, vừa cung cấp oxy cho hồ vừa tối ưu hóa các dòng chảy trong lòng hồ, tạo hiệu quả tối đa cho việc xử lý lọc nước hồ koi. Tuy nhiên, nhược điểm của lọc đáy kết hợp sủi oxy là làm động nước trong hồ, làm không thấy rõ cá. Hơn nữa, đa số người chơi phải tự chế lọc đáy kết hợp sủi oxy bởi tại thị trường Việt Nam chưa có ai nhập và sản xuất sản phẩm này.
Hình dáng hồ
Bạn có thể thiết kế hình dáng hồ koi tròn, vuông, bầu dục hay gợn sóng... tùy thích nhưng phải tuân theo nguyên tắc "tự làm sạch"; nghĩa là phải tối ưu hóa cho việc hút đáy và thổi luồng. Các biểu đồ sưu tầm dưới đây cho thấy thiết kế các hình dạng hồ koi khác nhau theo nguyên tắc tự làm sạch. Chú ý vị trí của các ống thổi luồng và ống hút đáy. Các ống thổi luồng không thổi thẳng và ống thoát đáy mà thổi theo hình dáng hồ và tạo thành một chu kỳ tuần hoàn nước khép kín cho hồ koi.
Hút Mặt Hồ Koi (Skimmer)
Khi thiết kế hồ Koi, hút mặt là không thể thiếu và là một phần rất quan trọng trong hệ thống lọc của hồ cá. Hút mặt làm sạch bề mặt chính của hồ Koi và đẩy các thành phần trôi nổi về ngăn lắng hoặc giỏ rác của hút mặt. Hút mặt giúp loại bỏ các váng bề mặt, các loại rác trôi nổi, lá cây hay thức ăn thừa còn nổi trên mặt nước được hút vào trong một giỏ rác, có quai xách để dễ dàng vệ sinh.
- Các chất protein dư thừa, nếu để trong môi trường nước lâu sẽ phân hủy gây ảnh hưởng đến chất lượng nước trong hồ ảnh hưởng đến sức khỏe của cá.
- Lắp đặt ống hút mặt rất cần thiết và không thể thiếu cho thẩm mỹ và chất lượng nước trong hồ.
- Hút mặt được thiết kế có khả năng tự điều chỉnh độ cao, thấp cho bằng mặt nước.
Hồ lọc bao nhiêu là đủ
Khi đã xác định xây dựng hồ koi với hệ lọc tiêu chuẩn thì bâng khuâng tiếp theo đặt ra trong việc thiết kế bộ lọc cho hồ koi là:
- Phải xây dựng hệ thống lọc như thế nào?
- Diện tích/thể tích lọc nước bao nhiêu là đủ?
- Xây dựng theo các kiểu lọc nào và gồm mấy ngăn?
Các câu hỏi này rất quan trọng khi thiết kế hồ koi bởi các câu trả lời không những phải đảm bảo chất lượng nước hồ mà còn phải góp phần tạo thẩm mỹ cho hồ cá. “Xây dựng hệ thống lọc bao nhiều là đủ?” – Trả lời câu hỏi này cũng giống như trả lời câu hỏi “Nuôi bao nhiêu cá koi trong hồ là đủ?”. Nếu như việc kiểm soát số lượng cá trong hồ là điều dễ dàng thì việc nâng/hạ hệ thống lọc là điều rất khó khăn. Thiết kế hồ koi ngay từ đầu phải xác định rõ diện tích/thể tích cho bể lọc bao nhiêu là hợp lý cho toàn hồ cá koi. Ngoài ra hồ koi còn phải đảm bảo tính thẩm mỹ và thể hiện nhân sinh quan của chủ nhân hồ cá.
Có rất nhiều cách lọc nước khác nhau, tùy thuộc vào diện tích xây dựng và địa hình/ hình dáng hồ koi để xây dựng hệ thống lọc cho hồ sao cho hiệu quả và thẩm mỹ nhất. Vấn đề giải quyết là xây dựng hệ thống lọc bao nhiêu là đủ, câu trả lời vừa khó vừa dễ: xây dựng thể tích hồ lọc càng nhiều càng tốt, thậm chí thể tích hồ lọc gấp đôi thể tích hồ chính nhưng phải đảm bảo tối thiểu thể tích hồ lọc tối thiểu bằng ¼ hồ chính. Hệ thống lọc có thể không tốn quá nhiều diện tích vì chúng ta có thể tiết kiệm diện tích bằng lọc dàn mưa bakki nhưng phải đảm bảo rằng thể tích hồ lọc tối thiểu bằng ¼ hồ chính. Còn nếu bạn thực sự yêu thích koi, muốn cá của mình thật sự khỏe mạnh và phát triển tốt thì tỷ lệ hồ lọc / hồ chính là 1/3 hoặc ½ được nhiều người chơi chọn trong việc thiết kế hệ lọc cho hồ cá.